I. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam phong kiến1. Thời kì xây dựng đất nước2. Thời kì Nam TiếnII. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cận đại1. Thời kì chống Pháp (trước 1954)2. Chia cắt Việt Nam (1954 - 1975)III. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đạiIV. Tổng kếtMột số tư liệu tham khảo
Khi một đất nước nổi tiếng vì thời gian chiến tranh còn nhiều hơn thời gian hòa bình, một đất nước xây dựng từ những đống đổ nát, chắc chắn phải có một điều gì đó để tự hào về. Khi một đất nước nằm cạnh một "người khổng lồ", là một trong những siêu cường tiềm năng của Thế giới, và thường bị xem là "một Trung Quốc nhỏ", chắc chắn có một cái gì đó để chứng minh họ khác biệt.
Đó là lịch sử.
Khi một đất nước vẫn còn đang phát triển, người dân vẫn chủ yếu làm trồng lúa, làm nông, khoa học chưa phát triển cao. Bất kỳ thành tựu hay đóng góp nào cho quốc gia và thế giới đều có thể được "tự hào".
Đó là văn hóa.
Khi mà mỗi con người khi đi học đều biết đến câu chuyện về vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng, lấy Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên sinh bọc trăm trứng, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển, từ đó sinh ra một dân tộc, ai ai cũng tự hào mình là "con rồng cháu tiên".
Đó là giáo dục.
3 yếu tố trên có lẽ chính là 3 nhân tố chính hình thành nên chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, một quốc gia có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc khá cao, xuất phát chủ yếu từ các cuộc chống ngoại xâm, các chiến thắng oanh liệt và cả tinh thần bài ngoại, chủ yếu là bài Trung Quốc.
I. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam phong kiến
1. Thời kì xây dựng đất nước
Theo Đại Việt sử kí toàn thư thì nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam là Xích Quỷ do Kinh Dương vương, một nhân vật truyền thuyết, ông nội Hùng Vương thứ nhất, thuộc dòng dõi Vua Thần Nông vốn được suy tôn làm thủy tổ của người Bách Việt lập ra vào năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Điều này khiến cho Việt Nam là một trong những nhà nước cổ xưa nhất châu Á và trên thế giới. Người Việt đã độc lập từ đó cho đến thời kỳ Nghìn năm Bắc thuộc, mà người Trung Quốc thường gọi là “Nam chinh”. Thời kỳ này kéo dài từ năm 111 TCN sau khi nhà Triệu, vương quốc Nam Việt thất bại trước nhà Hán. Trong hơn 1000 năm, đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh do người Việt nổi dậy chống sự cai trị của người Hán. Thời kì này ghi nhận 4 người được phong là anh hùng dân tộc của Việt Nam, đó là Hai Bà Trưng, Lý Bí và Ngô Quyền. Đến năm 938, sau khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, Việt Nam đã chính thức được độc lập lâu dài. (Lý Bí đã từng chiến thắng, lên ngôi Hoàng đế - Lý Nam Đế, lập ra nhà nước Vạn Xuân, nhưng chỉ độc lập khoảng 61 năm, từ 541 - 602 cho đến khi nhà Tùy sang xâm chiếm).
Qua hơn 1000 năm, Việt Nam nhìn chung khá là quân phiệt do lịch sử thường xuyên chiến tranh, và nó đã ảnh hưởng rõ rệt đến các quốc gia láng giềng như Champa, Chân Lạp, Lan Xang, Xiêm,.... Rất nhiều cuộc chiến tranh xảy ra và đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình nơi đây.
Trong cuộc chiến tranh Tống - Việt, "Nam quốc sơn hà", một bài thơ được xem như là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam cũng thúc đẩy tinh thần dân tộc khá cao:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
2. Thời kì Nam Tiến
Ban đầu lãnh thổ Đại Việt bao gồm khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, các đồng bằng nhỏ ven biển Bắc Trung Bộ. Sông Gianh là cực nam của đất nước. Quá trình khai phá về phía Nam được gọi là quá trình "Nam tiến", diện tích lãnh thổ từ ban đầu độc lập đến khi hoàn thành lên 3 lần.
Vào khoảng thời gian này, người Việt đã dần dần xâm lược và chiếm Champa cũng như một phần của Chân Lạp (Campuchia). Trong khi chinh phục, người Việt đã cố gắng đồng hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số bằng cách ép họ theo phong tục Việt. Theo KKF, tức Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom, một tổ chức người Khmer có tư tưởng bài Việt Nam, thì "Người Việt tự xem mình là những dân tộc thượng đẳng, chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, khác với người Chăm và Khmer, những người ảnh hưởng bởi Ấn Độ. Họ cho rằng mình đang thực hiện nhiệm vụ chống lại những người man di khác biệt với người Hán."
Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Theo Wikipedia: "Ở miền Bắc trong thời gian của các chúa Trịnh, ông bắt buộc người Trung Quốc nhập cảnh phải tuân thủ nghiêm ngặt phong tục Việt Nam và không tiếp xúc với dân chúng Việt Nam tại các thành phố".
Sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, những người thuộc thành phần “phản Thanh phục Minh” và những người bị triều đình nhà Thanh đàn áp đều rời đi, các quan lại nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đem 3.000 quân và 50 chiến thuyền đến Thuận Hóa xin tị nạn. Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) viết thư yêu cầu Chân Lạp chia đất cho họ, đồng thời cử người hướng dẫn họ qua Chân Lạp. Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, lên định cư ở Ban Lân (Biên Hoà, Đồng Nai) còn Dương Ngạn Địch vào cửa Tiểu cửa Đại đến định cư ở Mỹ Tho.
Lúc này thì chủ nghĩa dân tộc thực sự đã có những tư tưởng đầu tiên trên đất nước. Khi quân Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa, ở Đàng Trong, phần lớn ngoại thương ở miền Nam khi đó nằm trong tay thương nhân người Hoa, khiến Tây Sơn thấy rằng cần phải loại bỏ thế lực kinh tế của họ để tránh mối đe dọa với triều đình Đại Việt sau này (một nguyên nhân thứ yếu khác là người Hoa đa phần đều hậu thuẫn kinh tế cho chúa Nguyễn). Đã có nhiều vụ thảm sát dưới tay quân Tây Sơn mà mục tiêu chủ yếu là những người gốc Hoa.
Trong Gia Định thành thông chí có viết: “Nơi đây (Cù Lao Phố) biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước''. Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng chợ Lớn, sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay. Theo nhiều tài liệu lịch sử có viết: "Nhạc (Nguyễn Nhạc) bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở".
Sau khi nhà Nguyễn giành được đất nước. Năm 1811, Gia Long ban hành "Hán di hữu hạn", nghĩa là "phân rõ ranh giới Đại Việt với các nước chư hầu" hay "phân rõ ranh giới người Việt với bọn man di". Campuchia được gọi chính thức là Cao Miên. Năm 1815, Hoàng đế Gia Long công bố 13 nước chư hầu của Đại Việt, trong đó có Luang Prabang, Lan Xang, Miến Điện, Trấn Ninh, Thủy Xá và Hỏa Xá. Cũng như mô hình của Trung Quốc, triều đình Đại Việt yêu cầu các nước chư hầu phải triều cống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán hay ngày sinh nhật vua.
Do bị kiềm kẹp giữa hai quốc gia hùng mạnh là Đại Nam (Việt Nam) và Xiêm (Thái Lan), vua Ang Chan của Cao Miên (Campuchia) phải thi hành chính sách "chư hầu kép": đồng thời thần phục cả Xiêm lẫn Đại Nam. Năm 1807, sau khi đã suy tính, Ang Chan quyết định ngả sang hẳn về phía Đại Nam bằng cách xin Hoàng đế Gia Long cho thụ phong và cống nạp. Điều này được Đại Nam chấp nhận, còn ảnh hưởng của Xiêm tại đây bị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, vua Rama I và Gia Long vốn có mối thâm tình thuở trước nên cả hai bên đã chấp nhận chia sẻ quyền lực tại Cao Miên. Từ sau khi vua Rama I, Rama II và Gia Long mất, quan hệ Xiêm - Việt không còn mối ràng buộc hữu nghị nữa. Vua Rama III và Minh Mạng đã đẩy quan hệ hai nước tới bờ vực chiến tranh, cuối cùng nổ ra vào năm 1833 khi Lê Văn Khôi khởi binh chống Hoàng đế Minh Mạng ở đất Gia Định. Kết quả cuối cùng là Đại Nam chiến thắng. Thắng lợi của cuộc chiến này giúp Đại Nam dưới thời vua Minh Mạng được quyền bảo hộ phần lớn đất đai của Cao Miên như trước, gạt sự ảnh hưởng của Xiêm tại đây. Sau khi Ang Chan II mất mà không có con trai nối dõi, Minh Mạng quyết định nhập toàn bộ vùng đất Cao Miên nằm trong quyền bảo hộ của Đại Nam vào lãnh thổ Đại Nam và đổi tên là Trấn Tây thành, lãnh thổ của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử vươn tới cực đại.
Bên cạnh đó, trong Empire, Colony, Genocide: Conquest, Occupation, and Subaltern Resistance in World History (War and Genocide) có viết: Hoàng đế Minh Mạng, con trai của Gia Long đã nói về việc người Việt ép các dân tộc thiểu số phải theo phong tục Hán Việt, rằng: "Phải hy vọng rằng thói quen man rợ của bọn man di sẽ bị xóa đi, và ngày càng bị đồng hóa bởi phong tục Hán Việt". Cũng trong cuốn sách này, sau khi đàn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, Minh Mạng nói: "Lũ phiến quân như một lũ thú hoang, chúng đang lớn lên từng ngày. Cuộc nổi loạn này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, trẫm không thể giấu nổi sự tức giận của mình. Sẽ ra sao nếu chúng mở rộng địa bàn ra 6 tỉnh miền Nam và chống lại Triều đình?". Vì có một lượng lớn người Chăm giúp đỡ cuộc nổi dậy, Hoàng đế Minh Mạng quyết định đổi Thuận Thành trấn (vốn là chính quyền tự trị của người Chăm) thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại người Việt cai trị. Lịch sử vương quốc Chăm Pa chính thức dừng lại ở đây, đất nước Chăm Pa vốn có chiều dài lịch sử hơn 1600 năm và một nền văn hóa vô cùng phong phú chính thức bị người Việt xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.
II. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cận đại
1. Thời kì chống Pháp (trước 1954)
Sau khi nhà Nguyễn đánh mất đất nước vào tay Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng đều thất bại. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, mà lúc này chủ yếu tập trung vào một mục tiêu duy nhất - độc lập cho đất nước.
Trong thời kì này đã sản sinh ra nhiều nhà cách mạng và những tổ chức lớn mang tư tưởng Chủ nghĩa dân tộc trong lịch sử Việt Nam, dưới đây là một vài đại diện tiêu biểu:
Phan Châu Trinh: là một nhà cách mạng tiêu biểu thời kì này, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng nhiều người khác đi nhiều nơi vận động cuộc Duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phong trào thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi phong tục - tập quán,...
Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều, khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể.
Ông qua đời ngày 24 tháng 3 năm 1926, thọ 54 tuổi. Theo cuốn Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp, lời trăn trối cuối cùng của ông trước khi qua đời là:
Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc
Phan Bội Châu: Một nhà cách mạng khác cũng rất nổi tiếng, là bạn của Phan Châu Trinh. Ông đã đả kích việc thực dân Pháp cấm giảng dạy lịch sử Việt Nam mà thay vào đó là lịch sử Pháp. Năm 1905, Phan Bội Châu chỉ trích nền giáo dục của thực dân Pháp ở thuộc địa là "chỉ dạy người Việt viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp". Năm 1912, Phan Bội Châu đề xướng thành lập Việt Nam Quang phục hội. Tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ bạo động, ám sát như sự việc Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Thụy ném tạc đạn vào khách sạn Hanoi Hôtel ở phố Tràng Tiền, giết chết hai thiếu tá Pháp. Tổ chức còn dự định khởi nghĩa ở Trung Kỳ, tổ chức khởi nghĩa ở Thái Nguyên và đặc biệt là mưu sát Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin.
Có thể thấy rằng Phan Bội Châu là một người Chủ nghĩa dân tộc khá cực đoan. Đối với ông, chỉ có bạo lực, chứ chẳng phải cải cách, mới có thể đem lại nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Chính Phan Châu Trinh cũng từng nhận xét về ông:
Chủ nghĩa phục thù cực đoan mà Phan Bội Châu chủ trương thật là hết sức sai lầm, chỉ hãm quốc dân vào chỗ chết, không hợp thời thế, không sát với lý luận... Bởi vì ông ấy là người đại biểu cho thói quen trên lịch sử ngàn năm của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, thì bài ngoại của ông ấy đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích dựa người ngoài, ông ấy lại ỷ ngoại đến chỗ cực đoan. Dân Nam rất thiếu tính tự lập, ông ấy lại càng hơn nữa. Tính chất, trình độ của ông ấy đều cùng hợp với tính chất, trình độ của quốc dân. Cho nên nhân chỗ hơn chỗ kém của quốc dân mà lợi dụng; đó là điều mà thầy thuốc gọi là thuật tắc nhân tắc dụng.
Hồ Chí Minh: Có lẽ người nổi tiếng nhất trong những nhà cách mạng, ông chính là người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hồ Chí Minh có vẻ là một người Chủ nghĩa dân tộc. Năm 1924, tại Moskva, trong Đệ Tam Quốc tế, ông có viết:
Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người làm thuê biết phản kháng, nó làm cho những người "nhà quê" chống đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917.
Vào năm 1934, Stalin đang nắm vai trò lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, đã đặt đấu tranh giải phóng dân tộc đi cùng với đấu tranh giai cấp. Do bất đồng giữa về các lực lượng tham gia, Hồ Chí Minh đã bị Trần Phú và Hà Huy Tập phê phán là "ưu tiên giải phóng dân tộc hơn là đấu tranh giai cấp".
Việt Nam Quốc dân Đảng: là một chính đảng đi theo Chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng trong giai đoạn này. Với tôn chỉ: "Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.", Đảng đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa lớn, với người đứng đầu là Nguyễn Thái Học.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, nhiều nhân vật chủ chốt trong Đảng bị Pháp bắt. Pháp thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân. Rất nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình.
Khi đang thụ án, Nguyễn Thái Học đã đọc trích đoạn một bài thơ:
Chết vì tổ quốc
Cái chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng
Khi bị xử tử, ông cùng 12 đồng chí của mình đã hô vang:
Việt Nam vạn tuế!
2. Chia cắt Việt Nam (1954 - 1975)
Hiệp định Genève đã kết thúc chiến tranh Đông Dương. Theo Tuyên bố cuối cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai vùng, và vẫn là quốc gia thống nhất cho đến khi đất nước được thống nhất về mặt Nhà nước sau cuộc Tổng tuyển cử tự do có sự giám sát của quốc tế vào năm 1956. Tuy nhiên, cuộc Tổng tuyển cử không diễn ra do Chính quyền Ngô Đình Diệm không chấp nhận.
Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam lúc này bị chia thành 2 phía, một phía theo chủ nghĩa Cộng sản ở miền Bắc, và phía kia thân phương Tây ở miền Nam.
Cũng giống như thời chống Pháp, Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cũng đã thay đổi ít nhiều, sau khi đã dành được độc lập dân tộc, mục tiêu chính của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam bây giờ chính là thống nhất dân tộc.
Điều đó được thể hiện qua câu nói của lãnh đạo 2 bên, như Hồ Chí Minh, lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã nói:
Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi.
Và Ngô Đình Diệm, lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa:
Nếu tôi tiến, các ông tiến theo tôi. Nếu tôi lùi, các ông cứ giết tôi. Nếu tôi chết, các ông hãy theo gương tôi: Bảo vệ và kiến thiết tổ quốc. Mục đích duy nhất của tôi đó là một Việt Nam độc lập thực sự.
Đọc thêm: Chủ nghĩa dân tộc thể hiện trong lá thư Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Truman
III. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại
Nhìn chung, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại chủ yếu gắn liền với tư tưởng bài Trung Quốc khá cao.
Việt Nam đứng đầu trong các quốc gia bài Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia Về kinh tế, có thể thấy tư tưởng bài hàng Trung Quốc của Việt Nam, mà người Việt thường gọi là “hàng Tàu”. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường cố gắng cổ vũ sử dụng hàng Việt Nam và thường có những bài báo tẩy chay hàng Trung Quốc.
Vấn đề biển đảo cũng là một trong những tác nhân dẫn đến chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Theo Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc về chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc, với cách gọi khác là Tây Sa và Nam Sa, cũng cho rằng nó thuộc chủ quyền của họ. Hoàng Sa sau hải chiến 1974 mà Việt Nam Cộng hòa thua đã thuộc về Trung Quốc, Trường Sa thì Việt Nam vẫn chiếm giữ nhiều đảo và đá nhất, nhưng Trung Quốc vẫn chiếm giữ một cơ số đảo ở đây. Có thể thấy hầu hết các cuộc biểu tình ở Việt Nam hiện nay đều đá động đến 2 quần đảo này.
Vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng sống động nhất, Báo chí quốc tế xem nơi Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng biển tranh chấp, nhưng cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình và không thừa nhận có tranh chấp tại đây. Đã có sự va chạm giữa tàu thuyền của hai quốc gia, dẫn đến việc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam.
Đường chín đoạn cũng là một vấn đề căng thẳng tại Việt Nam. Đường chín đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%, mà Trung Quốc gọi là "phản ánh 2.000 năm lịch sử Trung Quốc". Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 đã bác bỏ vào ngày 12/7/2016 với lý do "không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín Đoạn". Chính phủ Việt Nam cũng đã phản đối, và thông báo là "ngừng cung cấp thị thực (visa) cho ai mang hộ chiếu đường chín đoạn".
IV. Tổng kết
Nhìn chung, chủ nghĩa dân tộc là một phần không thể phủ nhận và không thể tách rời của văn hóa và truyền thống Việt Nam. Sử Việt ghi nhận những cuộc chống trả sự xâm lược của các nước lớn hơn trên thế giới. Người Việt luôn có truyền thống tự hào những gì tổ tiên đã làm trong quá khứ, chúng ta cũng tổ chức rất nhiều sự kiện và lễ hội để tôn vinh những anh hùng vĩ đại trong suốt lịch sử Việt Nam. Hơn 2000 năm đấu tranh đã dạy ta cách đối phó với các cường quốc lớn trên thế giới, từ hòa bình đến chiến tranh, và từ chiến tranh trở lại hòa bình.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cũng là con dao 2 lưỡi. Nó chính là thứ giúp người Do Thái hàng nghìn năm tha hương nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, nhưng nó cũng là điều thôi thúc Hitler dìm chết hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung. Chủ nghĩa dân tộc cũng là lý do cho những cuộc chiến tại châu Phi, nội chiến ở Ukraina,…. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ mặt trái của chủ nghĩa dân tộc, không chấp nhận tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan để xây dựng Việt Nam trên cơ sở lợi ích chung vì hòa bình và phát triển.
Một số tư liệu tham khảo
và một số sách được dẫn trên bài viết.